Page 196 - HSCC2025
P. 196
TS.BS. TRẦN ĐÌNH HÙNG
CẬP NHẬT CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỎNG HÔ HẤP
Bỏng hô hấp là những tổn thương đường hô hấp do nhiệt hoặc chất kích thích hóa học được đưa vào đường thở trong
quá trình hô hấp. Bỏng hô hấp là tổn thương nặng nề nhất trong bỏng do nhiệt, có thể kết hợp với bỏng da hoặc tổn
thương riêng biệt. Cơ chế bệnh sinh rất phức tạp bao gồm ba yếu tố chính: tổn thương nhiệt trực tiếp gây phù nề,
bong tróc niêm mạc, tổn thương hóa chất kích hoạt phản ứng viêm mạnh và nhiễm độc toàn thân do khí độc như
carbon monoxide. Sự kết hợp này gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, ARDS và nhiễm trùng huyết,
làm gia tăng đáng kể tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân bỏng. Thống kê tại Hoa Kỳ cho thấy tỷ lệ tử vong do bỏng hô hấp có
thể lên tới 77%, trong đó phần lớn là do ngộ độc khí CO. Tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ tử vong lên đến
89,2%. Thách thức trong điều trị bỏng hô hấp đến từ chính sự phức tạp trong cơ chế bệnh sinh của bỏng hô hấp do
còn nhiều cơ chế chưa được hiểu rõ. Việc kiểm soát tổn thương đường hô hấp cần được thực hiện sớm đồng thời phối
hợp nhiều biện pháp điều trị. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong điều trị bỏng, tiên lượng cho bệnh nhân bỏng hô hấp
vẫn còn dè dặt, đặc biệt là ở những trường hợp bỏng nặng và nhiễm độc CO. Các nghiên cứu về cơ chế bệnh sinh,
dấu ấn sinh học và phương pháp điều trị mới đang được tích cực triển khai với hy vọng cải thiện tiên lượng và tỷ lệ tử
vong cho bệnh nhân bỏng hô hấp
ThS.BS. NGUYỄN THÁI NGỌC MINH
ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ CỦA KHÍ DUNG HEPARIN VÀ N-ACETYLCYSTEIN
TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH NHÂN BỎNG HÔ HẤP
Đặt vấn đề: Bỏng hô hấp, một tình trạng tổn thương nghiêm trọng gây ra bởi nhiệt hoặc các chất kích thích hóa học,
có thể dẫn đến viêm nhiễm, phù nề, tăng tiết dịch, gây tắc nghẽn đường thở và hoại tử niêm mạc đường hô hấp. Trong
điều trị bỏng hô hấp, khí dung hô hấp đóng vai trò quan trọng nhờ khả năng đưa thuốc trực tiếp vào đường hô hấp, tác
động lên vùng niêm mạc bị tổn thương. Phác đồ khí dung hô hấp thường kết hợp Heparin và N-Acetylcystein (HNA).
Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy phác đồ khí dung có thể cải thiện việc loại bỏ dịch tiết đường thở, giảm thời
gian thở máy, giảm tỷ lệ biến chứng và tử vong ở bệnh nhân bỏng hô hấp
Mục tiêu nghiên cứu: Đánh giá hiệu quả phương pháp khí dung theo phác đồ kết hợp Heparin và N-Acetylcystein
trong điều trị bệnh nhân bỏng hô hấp
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu tiến cứu, mô tả, theo dõi dọc, tiến hành trên 78 bệnh nhân bỏng
người lớn có bỏng hô hấp kết hợp, mắc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu – Bệnh
viện Bỏng Quốc Gia thời gian từ 01/2021 đến 2/2024
Kết quả: 78 bệnh nhân bỏng hô hấp có độ tuổi trung bình là 37,8 ± 11,49 có các mức độ bỏng hô hấp từ độ 1 đến độ
4. Đánh giá các chỉ số hô hấp và cơ học phổi: Độ giãn nở phổi tăng dần, đạt gần giới hạn bình thường (50 mL/cm H 2O)
vào ngày thứ 7. Áp lực đường thở trung bình giảm dần và duy trì ở mức thấp. Thể tích khí lưu thông duy trì ổn định
trong khoảng 6-8 ml/kg. Tình trạng oxy hóa máu được cải thiện, với PaO 2/FiO 2 tăng. Giảm tỷ lệ biến chứng viêm phổi
(31,6% so với 50% ở nhóm chứng). Tỷ lệ tử vong cũng thấp hơn so với nhóm chứng tại thời điểm 14 ngày (42,1% so
với 65,8%, p < 0,05) và 28 ngày (57,9% so với 81,6%, p < 0,05). Nghiên cứu cũng khẳng định tính an toàn của phương
pháp không ảnh hưởng đến chức năng đông máu
Kết luận: Kết quả cho thấy hiệu quả của phương pháp khí dung hô hấp giúp cải thiện đáng kể các thông số hô hấp và
cơ học phổi, đồng thời giảm tỷ lệ biến chứng viêm phổi và tử vong ở bệnh nhân bỏng hô hấp
Từ khoá: khí dung, bỏng hô hấp
BỎNG 196