Page 191 - HSCC2025
P. 191
TS.BS. PHAN VĂN TOÀN
LIỆU PHÁP ĐIỀU BIẾN MIỄN DỊCH TRONG ĐIỀU TRỊ VIÊM NÃO TỰ MIỄN
TẠI TRUNG TÂM THẦN KINH - BỆNH VIỆN BẠCH MAI
Tổng quan: Viêm não tự miễn là một bệnh lý tự miễn ngày càng được phát hiện nhiều và nghiên cứu rộng rãi trong đó
viêm não tự miễn do kháng thụ thể NMDA (anti-NMDAR) là bệnh lý viêm não tự miễn thường gặp nhất. Bệnh thường
biểu hiện với các triệu chứng tâm thần nặng nề, gây khó khăn trong chẩn đoán ban đầu. Các liệu pháp miễn dịch
được sử dụng như corticoid liều cao, trao đổi huyết tương, IVIG, Kháng thể đơn dòng, thuốc điều biến miễn dịch khác.
Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị miễn dịch khác nhau, hiện vẫn thiếu
sự đồng thuận và hướng dẫn điều trị cụ thể. Trong nghiên cứu này, chúng tôi chú trọng đánh giá đặc điểm lâm sàng,
thách thức trong chẩn đoán và kết quả điều trị ở bệnh nhân viêm não kháng thụ thể NMDA tại Việt Nam
Phương pháp: Nghiên cứu phân tích được thực hiện trên 90 bệnh nhân được chẩn đoán viêm não kháng thụ thể
NMDA tại Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai, từ tháng 1/2020 đến tháng 3/2024
Kết quả: Nghiên cứu bao gồm 90 bệnh nhân (tuổi trung bình 31,98, từ 2-80 tuổi), với tỷ lệ nữ/nam là 1,65:1. Hiệu
quả điều trị và kết quả được đánh giá trên 90 bệnh nhân: 100% được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch bậc 1 (30%
đơn trị liệu Corticosteroid liều cao (CS), 67,8% CS kết hợp Trao đổi huyết tương (TPE), 1,1% CS kết hợp Liệu pháp
Immunoglobulin truyền tĩnh mạch (IVIG), 1,1% CS + TPE + IVIG) hoặc phẫu thuật cắt bỏ khối u (11,1%). Kết quả cho
thấy 32 bệnh nhân (35,56%) có cải thiện (mRS 0-2). Các yếu tố dự đoán kết quả kém (mRS >2) với liệu pháp miễn dịch
bậc 1 bao gồm trạng thái động kinh, rối loạn chức năng tự động và điểm mRS cao khi nhập viện. Trong số 58 bệnh
nhân không cải thiện với điều trị bậc 1, 33 bệnh nhân (56,90%) được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch bậc hai (43,1%
đơn trị liệu Rituximab (RTX), 3,45% Azathioprine, 3,45% Cyclophosphamide (CYC), 1,72% Mycophenolate, 5,17% RTX
+ CYC), cho kết quả tốt (mRS 0-2) so với nhóm không điều trị (tỷ lệ chênh [OR] 12, khoảng tin cậy [CI] 1,43-100,71;
p=0,006). Khi xuất viện, 44 (48,9%) trong số 90 bệnh nhân đạt kết quả tốt (mRS 0-2) và 7 (7,8%) tử vong. Phân tích
hồi quy logistic đa biến cho thấy rối loạn chức năng tự động và điểm mRS cao khi nhập viện là các yếu tố nguy cơ độc
lập dẫn đến kết quả kém ở bệnh nhân viêm não kháng thụ thể NMDA
Kết luận: Tỷ lệ bệnh nhân viêm não kháng thụ thể NMDA không đáp ứng tốt với liệu pháp miễn dịch bậc 1 là khá cao.
Các yếu tố liên quan đến thất bại điều trị bậc 1 bao gồm trạng thái động kinh liên tục, rối loạn chức năng tự động và
điểm mRS cao khi nhập viện. Liệu pháp miễn dịch bậc hai thường mang lại hiệu quả khi điều trị bậc 1 thất bại. Rối
loạn chức năng tự động và điểm mRS cao khi nhập viện có thể là những yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng xấu ở bệnh
nhân viêm não kháng thụ thể NMDA
Từ khóa: Viêm não tự miễn, Kháng thụ thể N-methyl-D-Aspartate, NMDA
THẦN KINH – SIÊU ÂM 191