Page 244 - HSCC2025
P. 244
PGS.TS. PHẠM HỒNG NHUNG
ACINETOBACTER BAUMANNII – MỐI QUAN NGẠI TRONG ICU
Acinetobacter baumannii là mối quan ngại lớn trong các đơn vị hồi sức tích cực (ICU) do khả năng kháng thuốc cao
lại là tác nhân gây ra các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm như viêm phổi liên quan đến máy thở và nhiễm trùng huyết.
Vi khuẩn này có thể tồn tại lâu trên bề mặt, tạo màng sinh học và nhanh chóng phát triển cơ chế kháng thuốc nên
việc tiêu diệt chúng càng thêm khó khăn. Tình trạng A. baumannii kháng carbapenem ngày càng phổ biến, chủ yếu
do vi khuẩn sinh carbapenemase, giảm tính thấm của màng bào tương với kháng sinh nhờ hệ thống bơm đẩy và đột
biến kênh porin. Hiện tượng dị kháng với colistin làm phức tạp thêm việc điều trị, đòi hỏi phải sử dụng các liệu pháp
phối hợp kháng sinh. Thử nghiệm kháng sinh đồ chính xác là rất quan trọng, trong đó phương pháp pha loãng trong
môi trường lỏng được khuyến cáo sử dụng cho thử nghiệm colistin. Mặc dù có các kỹ thuật sinh học phân tử giúp
phát hiện nhanh gene kháng thuốc, nhưng kháng sinh đồ kiểu hình vẫn rất cần thiết. Kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm
ngặt, quản lý kháng sinh hợp lý và các chiến lược điều trị mới là những vấn đề cấp thiết để đối phó với A. baumannii
trong ICU
PGS.TS. VŨ ĐÌNH HÒA
TỐI ƯU LIỀU KHÁNG SINH TRONG ĐIỀU TRỊ NHIỄM KHUẨN
NẶNG DO ACINETOBACTER BAMANNII DỰA TRÊN TIẾP CẬN
DƯỢC ĐỘNG HỌC/DƯỢC LỰC HỌC
Tối ưu hóa liều kháng sinh cho điều trị Acinetobacter baumannii đa kháng thuốc (MDR-AB) ở bệnh nhân nặng trong
ICU đòi hỏi áp dụng nguyên tắc dược động học/dược lực học (PK/PD) để tối đa hóa hiệu quả và giảm thiểu nguy cơ
kháng thuốc. Bệnh nhân nặng thường có thay đổi về dược động học, như tăng thể tích phân bố và suy giảm chức
năng thận hoặc gan, đòi hỏi điều chỉnh liều phù hợp. Các kháng sinh chính cho MDR-AB bao gồm carbapenem,
colistin, sulbactam, tigecycline và fosfomycin. Với carbapenem, truyền kéo dài (ví dụ: meropenem 2 g trong 3 giờ,
mỗi 8 giờ) giúp tối ưu thời gian nồng độ thuốc trên ngưỡng ức chế tối thiểu (fT > MIC). Colistin, một kháng sinh cuối
cùng, cần liều tải (ví dụ: 9 triệu IU) sau đó điều chỉnh liều duy trì để đạt nồng độ điều trị. Sulbactam liều cao (6–9 g/
ngày) có hiệu quả với MDR-AB, thường được kết hợp với carbapenem hoặc colistin để tăng hiệu lực. Tigecycline (liều
tải 200 mg, sau đó 100 mg mỗi 12 giờ) được sử dụng thận trọng do lo ngại về hiệu quả và tác dụng phụ. Fosfomycin
(16–24 g/ngày) được chia liều hoặc truyền kéo dài, thường kết hợp với kháng sinh khác. Việc dụng PK/PD và theo dõi
nồng độ thuốc (TDM) giúp điều chỉnh liều phù hợp với tình hình vi khuẩn tại đơn đơn vị, đặc điểm bệnh nhân và khả
năng tiếp cận thuốc để tối ưu kết quả điều trị, đồng thời giảm thiểu độc tính và nguy cơ kháng thuốc
Từ khóa: Gram âm đa kháng, Acinetobacter baumannii, MIC, Tối ưu liều, PK/PD, kháng sinh
DƯỢC LÂM SÀNG - VI SINH 244