Page 224 - HSCC2025
P. 224
BS. PHẠM NGỌC MINH
ĐÁNH GIÁ MỐI LIÊN QUAN CỦA TÌNH TRẠNG HẠ MAGIE MÁU VỚI KẾT QUẢ
ĐIỀU TRỊ Ở NHÓM BỆNH NHÂN SAU PHẪU THUẬT TẠI PHÒNG HỒI SỨC NGOẠI
- KHOA GÂY MÊ HỒI SỨC - BỆNH VIỆN ĐA KHOA XANH PÔN
Giới thiệu: Tình trạng thiếu Mg thường bị bỏ qua so với các rối loạn điện giải khác như hạ natri máu, hạ kali máu và hạ
canxi máu. Nghiên cứu hiện tại nhằm mục đích nghiên cứu các yếu tố và tác động của tình trạng hạ Mg máu ở những
bệnh nhân sau phẫu thuật tại phòng Hồi sức Ngoại – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn
Phương pháp: Đây là nghiên cứu mô tả được thực hiện ở nhóm bệnh nhân sau phẫu thuật tại phòng Hồi sức Ngoại –
Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn từ tháng 1 năm 2025 đến tháng 3 năm 2025. Tổng cộng có 81 bệnh nhân được đưa vào
nghiên cứu, trong đó có 44 trường hợp sau mổ có hạ Mg (nhóm 1) và 37 trường hợp sau mổ không có hạ Mg (nhóm 2).
Những bệnh nhân được phẫu thuật tim mạch, tiêu hóa, phẫu thuật thần kinh, tiết niệu và phẫu thuật khác được đưa
vào nghiên cứu. Những bệnh nhân được điều trị bằng Mg trước khi nhập phòng hồi sức ngoại đã bị loại khỏi nghiên
cứu này. Định lượng Mg huyết thanh đã được xét nghiệm trong vòng 24 giờ sau khi nhập viện và có tương quan với
kết quả của bệnh nhân về điểm APACHE II, thời gian nằm viện tại khoa, nhu cầu và thời gian hỗ trợ thở máy
Kết quả: Trong tổng số 81 trường hợp, 35 (43.2%) là nam giới. Độ tuổi trung bình của nhóm 1 là 59.57 ± 13.19 tuổi,
độ tuổi trung bình của nhóm 2 là 54 ± 13.48 tuổi . Hầu hết các trường hợp vào khoa sau phẫu thuật thần kinh và phẫu
thuật tiêu hóa. Ở nhóm phẫu thuật tiêu hóa có tỷ lệ hạ Mg cao hơn. Các thuốc như furosemide, aminoglycoside,
mannitol cũng góp phần gây hạ Mg máu. Thời gian nằm viện trung bình tại khoa ở nhóm 1 là 6.03 ± 5.25 ngày, trong
khi là 5.28±3.37 ngày ở nhóm 2 (p = 0.33). 13% bệnh nhân nhóm 1 cần thở máy không xâm nhập (NIV) khi so sánh
với 6% ở nhóm 2 (p = 0.50). 52% bệnh nhân nhóm 1 thở máy xâm nhập khi so sánh với 28% bệnh nhân ở nhóm 2 (p =
0.03). Thời gian thở máy xâm nhập dài hơn ở nhóm 1 (trung bình = 11 ± 5-10 ngày) so với nhóm 2 (trung bình = 5 ± 2-4
ngày); giá trị p = 0.001. Tỷ lệ tử vong cao hơn ở nhóm 1 là 13.6% (6) và 8.1% (3) ở nhóm 2 (giá trị p = 0.02)
Kết luận: Nhóm bệnh nhân phẫu thuật tiêu hóa có tỷ lệ hạ Mg máu cao hơn so với các phẫu thuật khác. Nhu cầu thở máy
và thời gian thở máy xâm nhập cao hơn đáng kể ở những bệnh nhân bị hạ Mg máu so với những bệnh nhân có nồng độ
Mg máu bình thường (giá trị p <0.05). Tỷ lệ tử vong cao hơn ở nhóm hạ Mg so với nhóm không hạ Mg (giá trị p <0.05)
PGS.TS. NGUYỄN TOÀN THẮNG
TỔNG QUAN VỀ CÁC BIẾN CHỨNG THẦN KINH SAU GÂY MÊ TOÀN THÂN
Gây mê toàn thân là một phần quan trọng trong thực hành y khoa hiện đại, giúp đảm bảo quá trình phẫu thuật diễn
ra an toàn và hiệu quả. Mặc dù có mức độ an toàn cao, phương pháp này vẫn có thể gây ra nhiều biến chứng, trong
đó các biến chứng thần kinh là mối quan tâm đặc biệt. Bài trình bày sẽ phân tích các biến chứng thần kinh sau gây
mê toàn thân, từ những vấn đề phổ biến như tác dụng không mong muốn của thuốc, sảng (delirium), suy giảm nhận
thức sau phẫu thuật, đến các biến chứng hiếm gặp hơn như đột quỵ chu phẫu, thiếu máu cục bộ tủy sống và mất thị
lực sau phẫu thuật. Bên cạnh việc nhận diện các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh, bài trình bày cũng
đề cập đến các biện pháp phòng ngừa, phát hiện sớm và hướng xử trí phù hợp. Việc nâng cao nhận thức và cảnh giác
về những biến chứng này đóng vai trò quan trọng trong thực hành lâm sàng, đặc biệt đối với bác sĩ gây mê – hồi sức
và các chuyên gia chăm sóc hậu phẫu. Mục tiêu của bài trình bày là giúp các bác sĩ lâm sàng tối ưu hóa quy trình gây
mê và theo dõi sau phẫu thuật, nhằm giảm thiểu nguy cơ biến chứng thần kinh và cải thiện chất lượng điều trị
Từ khóa: gây mê toàn thân, biến chứng thần kinh, tỉnh chậm, sảng, suy giảm nhận thức, đột quỵ chu phẫu, thiếu máu
tủy sống, suy giảm thị lực, sau phẫu thuật
HỒI SỨC NGOẠI KHOA 224